Cấu hình cơ bản của LG Optimus 4X HD:
Hệ điều hành: Android 4.0
CPU: NVIDIA Tegra 3, bốn nhân, 1,5GHz
Màn hình: 4,7" True HD IPS, độ phân giải 1280 x 720
Camera sau: 8MP sử dụng cảm biến BSI, có Auto-Focus, đèn Flash
Camera phụ: 1,3MP
RAM: 1GB DDR2
Bộ nhớ trong: 16GB
Thẻ nhớ: microSD
Kết nối: 3G, Wi-Fi, Bluetooth, USB, 3.5mm, A-GPS, NFC, HDMI, DLNA, MHL
Nặng: 148g
Pin: 2.150mAh
Thiết kế
Thoạt tiên, nhìn vào LG Optimus 4X HD bạn sẽ có cảm giác đây là một chiếc máy to vì nó dùng màn hình 4,7" và kích thước các chiều là 132,4 x 68,1 x 8,9 mm, xấp xỉ HTC One X hay Samsung Galaxy SIII. Mặc dù vậy, khi cầm vào thì mình đã khá bất ngờ vì LG Optimus 4X HD nằm rất vừa vặn trong bàn tay. Chính vẻ thuông dài và vuông vức của nó đã khiến việc giữ máy được dễ dàng hơn chứ chúng ta không phải mở quá rộng các ngón tay để ôm trọn thân thiết bị. Độ mỏng 8,9mm cũng góp phần vào cảm giác "nhỏ" mà người sử dụng cảm thấy khi chạm vào LG Optimus 4X HD. Phiên bản mình cầm có màu trắng (LG Optimus 4X HD còn được phát hành với lớp vỏ màu đen), và cá nhân mình rất yêu thích tông màu thuần khiết này.
Mặt trước của LG Optimus 4X HD là một panel màn hình lớn chiếm phần lớn diện tích sản phẩm. Ở phần trên có các cảm biến tiệm cận và cảm biến ánh sáng để điều chỉnh các tính năng tự động của thiết bị. Gần đó là loa thoại và camera trước. Loa thoại được làm tinh xảo, có màu trắng bạc nên nhìn rất hợp tông với vỏ trắng xung quanh đó. Ngay bên dưới đó là logo LG được làm bóng lên trông khá lạ mắt. Toàn bộ bề mặt này được phủ một lớp gương bóng ra đến tận cạnh màn hình nên nhìn máy rất đẹp, thêm vào đó là viền màn hình mỏng nên càng làm thiết bị trở nên hấp dẫn hơn nữa. Được biết, LG có trang bị lớp kính cường lực và chống trầy Gorilla Glass cho máy của mình để tăng độ bền.
Còn ở cạnh dưới của màn hình là nơi bố trí ba nút chức năng cảm ứng cho Android, đó là Back, Home và Menu. Đèn nền của ba phím này khá đẹp, khi sáng lên có để lại một vầng xung quanh tạo cảm giác sang trọng cho mặt trước máy. Tuy nhiên, các phím này chỉ bật đèn khi chúng ta chạm vào, mà đã chạm vào tức là ta đã biết được đó là chức năng gì rồi, thế thì cần đèn làm gì ngoài mục đích trang trí? LG nên cho các bóng LED bên dưới phím luôn luôn sáng nhằm phục vụ cho những người mới tiếp cận với Android vì họ chưa quen cách dùng cũng như vị trí phím. Nó cũng sẽ có ích hơn khi dùng trong môi trường tối nữa. Ba phím chức năng này cũng nằm khá gần với màn hình nên đôi khi gõ bàn phím nhanh mình thường hay chạm nhầm vào phím Home, nhất là những khi cần dùng đến phím khoảng cách. Thế là ứng dụng bị thoát ra ngoài, phải quay trở lại rất tốn thời gian.
Mặt lưng của LG Optimus 4X HD được thiết kế hoàn toàn bằng nhựa, thế nhưng cảm giác mà bộ phận này mang lại không hề rẻ tiền chút nào, khác hẳn so với các điện thoại bằng nhựa khác. LG làm cái nắp này với các đường vân chéo nên khiến phần lưng hơi nhám, vừa cho cảm giác thích thú khi cầm vào, vừa góp phần giúp tăng ma sát để thiết bị không bị trượt ra khỏi lòng bàn tay. Lớp sơn phủ lên là sơn mờ nên hoàn toàn không lưu lại dấu tay của người dùng, thích hợp cho những người thường hay bị ra mồ hôi tay như mình. Ngoài ra, ở nắp lưng LG Optimus 4X HD còn có một logo LG lớn, cùng với đó là cụm camera, đèn flash và loa ngoài ở góc dưới bên trái.
Một hạn chế của việc bố trí loa như thế này đó là khi ta cầm máy lên thì bàn tay vô tình che mắt loa, khiến âm thanh bị nhỏ đi chứ không vang to hơn do hiện tượng phản xạ âm như một số smartphone khác. Ở mặt dưới nắp lưng là nơi mà LG tích hợp ăng-ten cho kết nối NFC, do đó hãng có ghi chú với người dùng rằng không được cạo bỏ lớp phủ bảo vệ đi.
Các cạnh bên chính là nơi mang điểm nhấn thiết kế của LG trên LG Optimus 4X HD, đó là hai "dải băng" mỏng được mạ kim loại sáng chạy dọc bao quanh toàn bộ máy. Tất cả các nút nhấn và cổng kết nối đều lọt thỏm giữa chúng, đặc biệt ở cạnh trái phải thì đoạn nằm giữa này được làm nhám hơn. Bạn sẽ không thường gặp kiểu thiết kế như thế này trên các sản phẩm của những hãng khác đâu. Mặc dù vậy, hai nút tăng giảm âm lượng của máy thì gần như ẩn đi mất, nếu bạn mới sử dụng máy lần đầu thì có thể sẽ phải ngạc nhiên tự hỏi rằng: LG không có nút volume cho LG Optimus 4X HD à? Phải mất một thời gian sau mình mới quen được vị trí của hai phím này vì LG bố trí chúng ở cạnh trái, ngược so với những hãng khác.
Ngoài tác dụng trang trí thì hai dải băng này còn giúp mình cầm nắm máy dễ dàng hơn, thậm chí mình có thể giữ chặt LG Optimus 4X HD hơn cả một vài smartphone màn hình chỉ 4" hay 4,3" mà mình từng dùng qua. Kết hợp với nắp lưng nhám thì nỗi lo trượt tay khi dùng một thiết bị lớn như thế này sẽ không còn nữa. Bốn góc của các cạnh cũng được LG biến đổi một chút nên nhìn máy có cảm giác thích thú và lạ chứ không đơn giản và nhàm chán.
Góc được bo theo một thiết kế rất lạ mắt
Ở cạnh trên, LG có bố trí một jack cắm tai nghe 3,5mm, lỗ micro và nút nguồn. Phần viền kim loại quanh jack tai nghe được kết nối chung với dải băng mà mình đã đề cập đến ở trên. Về phần nút nguồn này thì nói hơi nhỏ nên việc nhấn chưa được tốt lắm, bạn phải dùng khá nhiều lực để có thể ra lệnh cho nó. Còn cạnh dưới thì rất đơn giản với một lỗ micro phục vụ việc đàm thoại của chúng ta, và ngay chính giữa là cổng microUSB.
Tóm lại, có thể nói rằng LG đã đầu tư rất nhiều về mặt ngoại hình cho LG Optimus 4X HD, từ việc làm vật liệu nhám cho mặt sau, thiết kế bo tròn của các góc đến hai dải băng màu bạc chạy dọc cách cạnh. Có thể LG Optimus 4X HD chưa phải là máy mỏng nhất, nhẹ nhất, nhưng nó đẹp và sở hữu phong cách rất riêng, mang đậm dấu ấn của hãng sản xuất Hàn Quốc. Bạn khó mà nhầm lẫn được LG Optimus 4X HD với các smartphone Android khác, chỉ trừ chiếc L7 cũng do LG sản xuất.
Video về thiết kế của LG Optimus 4X HD
Màn hình
LG là một trong những công ty sản xuất màn hình lớn trên thế giới, và hãng đã mang thế mạnh đó lên dòng sản phẩm di động Optimus của mình. Trước đây họ từng có Optimus Black với công nghệ màn hình NOVA cho độ sáng 700-nit, kế đó là LG Optimus Nitro HD là một trong các smartphone đầu tiên có màn hình HD, và bây giờ là Optimus 4X HD với màn hình True HD-IPS. Khác với một số đối thủ, LG không dùng màn hình kiểu PenTile mà dùng kiểu sắp xếp subpixel dạng RGB như bình thường nên màn hình không có hiện tượng rỗ. Có lẽ vì thế mà hãng mới đặt cho nó cái tên "True HD" (độ phân giải cao thực) vì các subpixel đều bằng nhau chứ không phải cái to cái nhỏ như loại PenTile.
Mặc dù độ phân giải HD hiện không còn là một điều quá nổi bật nữa nhưng nó vẫn chứng tỏ được rằng độ phân giải cao là cần thiết cho máy với màn hình to. Mật độ điểm ảnh của LG Optimus 4X HD là 312ppi và có thể xem là "retina" rồi, chính vì vậy bạn sẽ khó mà nhận ra được từng pixel ảnh đơn lẻ nữa. Hình ảnh hoàn toàn mịn màng, chữ sắc nét, đẹp mắt.
Bên cạnh đó, LG còn tích hợp trong màn hình của LG Optimus 4X HD tấm nền IPS, giống loại dùng trên iPhone, iPad và nhiều thiết bị cao cấp hiện nay. Lợi ích của IPS đó là nó cho góc nhìn rộng, màu sắc hiển thị tươi tắn, chân thực và rất gần với đời thực. Mình đã thử nghiệm nhìn nghiên gần 180 độ và màu sắc không hề bị biến đổi gì cả. Thật tuyệt vời khi nhìn vào màn hình của LG Optimus 4X HD.
Máy ảnh
LG cung cấp bốn chế độ chụp ảnh cho chúng ta, đó là Bình thường, HDR, Panorama và Chụp liên tiếp. Những chế độ này nhìn chung tốt, hoạt động hiệu quả và giúp đỡ khá nhiều cho chúng ta trong việc ghi lại các khoảnh khắc vô giá. Đặc biệt là chế độ chụp liên tục sẽ cho phép bạn ghi lại 5 ảnh trong một lần nhấn nút, mặc dù độ phân giải của mỗi ảnh bị giảm xuống tận mức VGA. Chụp ở chế độ panorama cũng khá vui và bạn cần phải lia máy chầm chậm theo hướng từ trái sang phải. Kết quả cho ra sẽ làm bạn hài lòng đấy.
Vâng Cho Em Xin, Hôm nay vào lúc 14:45 #1
Vâng Cho Em Xin
Viện Trưởng
Gia nhập: 13 .07. 2009
Bài viết: 10.944
Like: 1.329
Khả năng quay phim Full-HD cũng là một điểm gây ấn tượng với mình. Mặc dù màu sắc của video kết quả chưa thật giống thực lắm nhưng như vậy cũng đã đủ cho một camera trên smartphone. Việc tự chỉnh lại điểm nét trong lúc quay khá nhanh chóng, do đó hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng out nét lúc bạn lia máy từ điểm này sang điểm khác (bạn sẽ thấy rõ điều này trong video bên dưới). Âm thanh lúc quay rõ ràng, mạch lạc.
LG có tích hợp sẵn cho bạn một nút chụp để bạn có thể ghi lại ảnh ngay cả trong lúc quay phim. Nhờ vậy, bạn sẽ không phải đắn đo suy nghĩ giữa việc nên chụp hay nên quay. Mặc dù độ phân giải tối đa của các ảnh này chỉ là 1920 x 1080 nhưng mình nhận thấy nó nét còn hơn là cả khi dùng chế độ chụp nữa.
Thời lượng dùng pin
LG Optimus 4X HD sở hữu viên pin 3,8V, 8Wh và dung lương 2150mAh. Đây là một con số khá cao so với mặt bằng chung của các smartphone hiện nay. Cũng chính vì thế mà thời lượng dùng pin của LG Optimus 4X HD rất tốt mặc cho cấu hình của máy cũng thuộc loại mạnh nhất nhì trên thị trường. Cụ thể, khi mình thử nghiệm để máy kết nối Wifi nền và tự cập nhật thông tin từ 3 hộp thư gmail, push thông báo từ Facebook trong vòng 5 giờ, duyệt web qua Wifi 1 tiếng, nghe gọi khoảng 5 cuộc, nhắn 8 tin nhắn, nghe nhạc 2,5 tiếng bằng loa ngoài ở âm lượng lớn nhất thì máy có thể dễ dàng trụ được 1,5 ngày. Đối với nhu cầu sử dụng bình thường là nghe gọi khoảng 10 cuộc và nhắn tin thoải mái, LG Optimus 4X HD có thể dùng được đến gần 2,5 ngày. Tất cả thử nghiệm đều đặt độ sáng tự động. Mức độ tiêu hao pin của máy thấp, rất đáng khen và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của hầu hết mọi người.
Hiệu năng, độ mượt mà
Với một cấu hình thuộc loại mạnh hiện nay, chẳng hạn vi xử lí NVIDIA Tegra 3, RAM 1GB, LG Optimus 4X HD dễ dàng đạt được số điểm cao khi mình tiến hành benchmark nó. Ở phần mềm Quadrant dùng để đo hiệu suất tổng quan của hệ thống, LG Optimus 4X HD ghi được 4858 điểm, cao nhất trong danh sách các thiết bị tham chiếu mà Quadrant có sẵn. Máy vượt qua cả One X, Asus Transformer Prime TF201. Đến khi benchmark khả năng xử lí đồ họa của LG Optimus 4X HD thông qua phần mềm NenaMark 2, LG Optimus 4X HD ghi được 50,8fps, một con số khá cao và đứng hạng nhì trong danh sách các thiết bị mẫu của phần mềm này. Tốc độ khung hình như thế này vẫn là một con số rất cao và tuyệt vời. Cuối cùng mình thử nghiệm benchmark bằng ứng dụng Vellamo thì LG Optimus 4X HD đạt 1563 điểm, thấp hơn One X, One XL (phiên bản One X hai nhân dành cho các nhà mạng ở Mỹ).
Về độ mượt mà, đây là một điểm cộng lớn dành cho LG Optimus 4X HD. Thao tác cuộn ở màn hình chính, trong phần duyệt ứng dụng, khi chạy từng phần mềm riêng lẻ,… đều trơn tru và rất tốt, hiện tượng giật và đứng rất ít khi xảy ra. Độ nhảy cảm ứng và thời gian phản hồi cũng tốt. Mặc dù mình đã cài khá nhiều phần mềm và thử nghiệm chạy cùng lúc nhiều tác vụ như chat bằng Yahoo Messenger, online Skype, chơi game, nghe nhạc, để trình duyệt tải về một tập tin 50MB nhưng máy vẫn có thể hoạt động như bình thường. Bạn sẽ không cần phải khởi động lại thiết bị trong quá trình sử dụng như trên một số thiết bị Android khác.
Phần mềm
Giao diện
LG Optimus 4X HD được LG trang bị cho giao diện Optimus phiên bản 3.0. Giao diện người dùng này được thiết kế đẹp hơn và tiện lợi hơn so với phiên bản Optimus trước, đồng thời nó cũng tận dụng phần cứng tốt hơn để mang đến những trải nghiệm mới. Mặc dù LG đã tùy biến lại nhưng nó vẫn sở hữu nhiều điểm tương đồng với bản Android gốc AOSP do Google phát hành, có thể kể đến như tông màu xanh dương cho biểu tượng kết nối, pin, đồng hồ, app drawer (nơi liệt kê ứng dụng) dạng kéo ngang. Tuy nhiên, ở phần cài đặt, tin nhắn, điện thoại, trình duyệt và nhiều thành phần hệ thống khác, LG chủ yếu dùng hình nền màu trắng nên trông thiết bị có vẻ sáng sủa, bắt mắt hơn là màu đen trên AOSP.
Màn hình khóa của máy với các biểu tượng (ảnh trái) và khi bắt đầu mở khóa (ảnh phải)
LG Optimus 4X HD có một màn hình khóa hoàn toàn mới lạ, nơi mà bạn có thể trượt tay tại bất kì chỗ nào để mở khoá máy. Nó mang lại cảm giác thích thú vì có hiệu ứng hình tròn tòa ra, và cũng thoải mái hơn rất nhiều so với thao tác trượt lên xuống theo một đường dẫn có sẵn thường thì ở các smartphone Android khác. LG cũng có cho phép chúng ta điều chỉnh lại các biểu tượng ở màn hình khóa này hoặc thay đổi kiểu đồng hồ tùy ý thích, gần giống với Lockscreen của giao diện Sense UI của HTC.
Tùy biến lockscreen và áp dụng chủ đề giao diện
Phần thanh thông báo của LG Optimus 4X HD có tích hợp sẵn một phần nhỏ giúp bạn kích hoạt hoặc vô hiệu hóa các kết nối, phần cứng trên thiết bị một cách nhanh chóng mà không cần phải vào tận phần Cài đặt. Mặc định bạn sẽ thấy được nút dành cho Âm thanh (chuyển chế độ rung, im lặng), tắt mở Wifi, Bluetooth. Bạn có thể thêm hoặc bớt những biểu tượng này tùy ý thích. Ngay bên dưới đó là nơi hiển thị cảnh báo như bình thường, tông màu xanh đen của ROM Android gốc vẫn hiện diện đầy đủ ở đây.
Ứng dụng có sẵn của LG
Các hãng sản xuất thường tích hợp lên thiết bị của mình các ứng dụng được tùy biến riêng để giúp người dùng tận hưởng đến các tiện ích một cách nhanh chóng nhất, và LG cũng không là ngoại lệ. Trước hết mình muốn nói đến phần mềm QuickMemo của thiết bị. Nó sẽ giúp bạn ghi chú tại bất kì đâu chỉ bằng một nút nhấn từ thanh cảnh báo. Thậm chí bạn có thể ghi chú lên ảnh chụp màn hình rồi lưu nó lại vào Gallery.
Khả năng giải trí của máy được LG chú trọng với các phần mềm của riêng hãng để nghe nhạc, xem phim, xem ảnh. Giao diện những app này thân thiện, dễ dùng và bạn có thể bắt đầu phát nội dung của mình trong thời gian ngắn nhất. Với những ai yêu thích xem phim HD thì bạn sẽ không cần phải cài thêm bất kì phần mềm nào từ Google Play Store vì trình video mặc định đã hỗ trợ sẵn định dạng MKV, một điều mà không nhiều các thiết bị Android khác làm được. Phần mềm mang tên "Trang chủ truyền thông" cũng khá thú vị vì nó là nơi tổng hợp tất cả những nội dung đa phương tiện trên thiết bị của chúng ta. Ngay khi nghe nhạc hoặc video, LG hỗ trợ chúng ta chia sẻ trực tiếp lên Facebook, Twitter với tiêu đề bài hát, tên ca sĩ,… nên khi đang thưởng thức một tác phẩm hay, bạn sẽ không phải quay ra app Facebook hoặc lên web của mạng xã hội này để chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét